Ảnh hưởng hỗn hợp biodiesel hạt cao su đến hiệu suất và khí thải trên động cơ diesel phun trực tiếp
15/09/2015
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
KS. Nguyễn Vĩnh Thanh, TS. Nguyễn Lê Duy Khải (Khoa Kỹ thuật giao thông, Đại học Bách Khoa TP.HCM) thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của hỗn hợp biodiesel sản xuất từ hạt cao su đến hiệu suất và khí thải trên động cơ diesel một xy lanh Kubota RT125 phun nhiên liệu trực tiếp bằng phương pháp thực nghiệm tại Phòng Thí nghiệm trọng điểm Động cơ đốt trong, Đại học Bách Khoa TP.HCM.
Trong nghiên cứu này, các hỗn hợp biodiesel 5% (B5), 10% (B10) và 20% (B20) được thử nghiệm theo các chế độ khác nhau để đánh giá về hiệu suất, thành phần khí thải và khả năng thay thế cho dầu DO theo đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.
Theo đó, dầu chưa tinh chế từ hạt cao su (dầu không ăn được) được coi là tiềm năng để sản xuất dầu biodiesel với độ nhớt và tỷ trọng của dầu được phát hiện rất giống với diesel. Nhiệt trị của biodiesel thấp hơn so với diesel nhưng nhiệt độ chớp cháy cốc kính của biodiesel cao hơn và những thuộc tính quan trọng của biodiesel tạo ra từ hạt cao su rất giống với diesel nên dầu chiết từ hạt cao su được trông đợi như một nhiên liệu thay thế hay thực hiện chức năng như một chất phụ gia cho diesel dùng cho động cơ nén cháy.
Tất cả các hỗn hợp biodiesel B5, B10 và B20 đều cung cấp hiệu suất nhiệt cao hơn so với DO. Trong đó, B5 và B10 là hai lựa chọn tốt cho việc hòa trộn biodiesel với dầu DO, tuy nhiên theo kết quả thử nghiệm cho thấy B10 cung cấp sự cải thiện tốt hơn với hiệu suất nhiệt cao và mức tiêu hao nhiên liệu thấp. Một ưu điểm để tăng khả năng áp dụng của dầu biodiesel là có thể pha trực tiếp vào DO và sử dụng trên động cơ đốt trong mà không cần bất kỳ sự thay đổi nào. Trong tương lai gần, biodiesel sẽ được sử dụng một phần như nhiên liệu thay thế để bảo vệ môi trường và giảm rủi ro về khả năng cung cấp không ổn định của diesel.
LV (nguồn: TC KHCN Giao thông vận tải, số 14-2015)